"Sự khác biệt giữa nhà đầu tư thành công và thất bại đó là họ phản ứng như thế nào khi một cổ phiếu thua lỗ. Sai lầm không phải là vấn đề, phạm sai lầm cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là không chấp nhận sai lầm"
Dan Sullivan
(điều hành thechartist.com)
Mọi người đến với thị trường chứng khoán với hy vọng kiếm được nhiều tiền, mơ về tỷ suất sinh lợi lớn trong tương lai. Nhưng trước khi đem số tiền bạn vất vả kiếm được đi đầu tư, tốt hơn hết hãy nghĩ đến thua lỗ trước. Nếu bạn hỏi tôi điều gì là quan trọng nhất, tôi xin trả lời đó là quản trị rủi ro, đây là nền tảng để đạt được thành công bền vững trên thị trường chứng khoán. Xin nhắc lại đó là thành công "bền vững".
Bất cứ ai cũng có thể có được những khoản lời rất lớn trong ngắn hạn khi tham gia vào thị trường đúng thời điểm, nhưng để thành công vững bền trong hàng thập kỉ là điều khác biệt giữa một nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kiến thức với những "con bạc", những nhà đầu tư nghiệp dư. Mọi người tôi quen từng kiếm vài tỷ đồng trong năm thị trường uptrend 2020 2021 với số vốn chưa đến 1 tỷ, nhưng chỉ trong 6 tháng của năm 2022 tài khoản đã âm cả vào vốn. Từng có lúc người đó khuyên tôi rằng cứ mua cổ phiếu và giữ ở đó, "giảm sẽ lên lại", "chưa bán là chưa lỗ", cười nhạo vào "quản trị rủi ro",
Trích lời phù thủy chứng khoán Mark Minervini: "Bí quyết thành công của tôi là, hãy cắt lỗ nhanh trong khi để lợi nhuận tiếp tục chạy". Tất cả các nhà giao dịch thành công đều nói vậy. Quản trị rủi ro chỉ đơn giản là bạn tự đặt ra một mức, mà tại đó nếu giá cổ phiếu giảm tới mức đó, bạn bán mà không hề cân nhắc. Ví dụ như Mark Minervini là mốc 5%, William Oneil là 7 tới 8%. Tất nhiên những nhà đầu tư huyền thoại họ có những phương pháp giao dịch riêng và có con mắt lựa chọn cổ phiếu tối ưu, tuy nhiên khi mua một cổ phiếu, điều đầu tiên họ luôn nghĩ là về mức cắt lỗ.
Quản trị tiền là điều ai cũng biết nhưng kém hấp dẫn với các nhà đầu tư nghiệp dư. Đa phần mọi người dễ chấp nhận các kĩ thuật giao dịch mới nhưng lại coi thường kĩ năng quản trị rủi ro. Nhưng quản trị rủi ro bao gồm cắt lỗ và chốt lời, là những bài tập cơ bản, phải rèn luyện thật nhiều nếu muốn tạo nên kì tích.
Thua lỗ lớn làm bạn mệt mỏi và cực kì vất vả
Khi bạn thua lỗ, bạn phải có lời lớn hơn để có thể về bời. Ví dụ một vị thế bạn lỗ 50% thì cổ phiếu đó cần tăng giá gấp đôi để bạn có thể về bờ.
Ví dụ như SSI đã giảm hơn 50% từ đỉnh 56. Nếu bạn nào tư duy chỉ cần ôm cổ phiếu lâu dài trước sau sẽ có lời, hiện tại với mức lỗ 50% thì SSI cần tăng giá gấp đôi từ giá đóng cửa 22 (16/06/22) để bạn có thể "về bờ". Năm bùng nổ của thị trường như 2021 SSI chỉ tăng giá khoảng 80%. Vậy để bạn có thể về bờ có lẽ bạn cần nắm giữ ít nhất 1 năm nữa với điều kiện thị trường cực tốt. Bạn có thể đọc bài viết "Hãy đứng ngoài thị trường gấu", tại thời điểm mình viết bài SSI có giá 28 và sau đó 1 tuần còn giá 21. Nếu bạn nào tham gia khi thị trường gấu và không biết cách quản trị rủi ro thì đang ôm khoản lỗ gần 30%
FLC đã giảm khoảng 80% từ đỉnh (giá 24 về 4) . Vậy bạn cần cổ phiếu này tăng lại gấp 6 lần để có thể về bờ. Nếu bạn nhìn vào giá cổ phiếu liệu mất bao lâu để FLC có thể tăng gấp 6 lần?
Bài học ở đây là không bao giờ cho phép bản thân thua lỗ đến mức làm hủy hoại tài khoản. Khi khoản lỗ trở nên rất lớn, rất khó để có thể hòa vốn (hay "về bờ"). Hãy tThiết lập mức lỗ tối đa không quá 10%, khoản lỗ trung bình tốt hơn hết chỉ ở mức 5. 6%. Bạn càng giỏi thì mức lỗ trung bình của bạn sẽ càng thấp và tỉ suất sinh lợi sẽ càng cao.
Mức lỗ Mức lãi cần thiết để hòa vốn
5% 5.26%
10% 11%
20% 25%
40% 67%
50% 100%
Đặt ra mức cắt lỗ, cắt nhanh nhất có thể, đừng để lỗ sâu
Biết khi nào nên chốt lời
Có khi nào bạn đang có khoản lời tới vài chục %, khi ôm một cổ phiếu trong thời gian dài, sau đó chỉ một đợt điều chỉnh 2 3 tuần bạn từ lời thành lỗ?
Những đồng lời thật vất vả mới có được, nên bạn phải trân quý bảo vệ chúng. Biết chốt lời đúng thời điểm là vấn đề then chốt trong đầu tư. Điều bạn nên chấp nhận là, không ai có thể cốt lời ngay tại đỉnh được, nên đừng tự trách bản thân khi sau khi bạn bán giá cổ phiếu lại tiếp tục tăng.
Có nhiều phương pháp chốt lời, xin được chia sẻ trong các bài viết sau. Bài viết này muốn các bạn hiểu tầm quan trọng của việc biết chốt lời đúng thời điểm.
Biết cách chọn những cổ phiếu tốt nhất trên thị trường, mua đúng nhưng không có quy tắc chốt lời nghĩa là bạn mới làm được 50% công việc. Đa số giá cổ phiếu sẽ có mô hình giống cây thông, nếu bạn cố gắng giữ mà không có quy tắc khi nào chốt lời thì toàn bộ lợi nhuận trước sau sẽ bay sạch.
Có quy tắc chốt lãi cũng giúp bạn thoát ra trước khi thị trường điều chỉnh. Kinh nghiệm của tôi là khi những cổ phiếu dẫn dắt điều chỉnh trước, dù điểm số của thị trường chung vẫn được giữ nhưng đó là tín hiệu báo trước cho một đợt sụt giảm sắp đến. Tham gia thị trường càng lâu, trải qua tất cả các giai đoạn thị trường, học hỏi từ sai lầm sẽ giúp bạn càng ngày càng nhạy với các đợt điều chỉnh của thị trường.
Bài viết khá dài, xin dừng tại đây. Ở các bài viết sau tôi sẽ phân tích nhiều hơn thị trường chung, những dấu hiệu để biết khi nào cần bán cổ phiếu.
Hãy theo dõi những bài viết nhận định thị trường hàng này tại website hoặc liên hệ với tác giả qua số điện thoại. Đây là những chia sẻ cá nhân, không khuyến nghị, hô hào, hy vọng được các bạn ủng hộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét